Hội thi chim Chào mào Quảng Nam lần thứ I: Sân chơi mới cho nghệ nhân chim cảnh
Ngày 24.3, Hội Sinh vật cảnh Quảng Nam, Hội chim Chào mào Quảng Nam phối hợp cùng CLB chim Chào mào thành phố Tam Kỳ tổ chức Hội thi tiếng hót chim Chào mào các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên lần thứ I. Hoạt động này được giới nghệ nhân chơi chim cảnh đánh giá là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự trở lại của phong trào chơi chim Chào mào đã bị lãng quên trước đó.
Niềm đam mê của những nghệ nhân xứ Quảng
Các nghệ nhân đưa chim vào khu vực thi đấu.
Gặp anh Lê Duy Khang- hội viên CLB chim Chào mào thành phố Tam Kỳ, cho biết, những năm trước đây, thú chơi chim Chào mào rất được các nghệ nhân chơi chim cảnh ưa chuộng, nhưng vì nhiều nguyên nhân, thú chơi đó đang dần bị lãng quên. Anh cho biết thêm, Chào mào là giống chim thân thiện với con người lại rất dễ nuôi. Không giống các loại chim cảnh khác, chim Chào mào chỉ cần ăn hoa quả và bột, quá trình sinh trưởng nhanh, ít bệnh tật. Đồng thời, giá thành lại phù hợp với tất cả các tầng lớp có thú chơi chim. Hơn thế, Chào mào là loài được giới chuyên môn đánh giá có tiếng hót hay, lảnh lót , có phong thái chiến đấu đẹp. Do đó, anh cùng với một số anh em trong CLB chim Chào mào thành phố Tam Kỳ với mong muốn khôi phục lại phong trào chơi chim Chào mào đã tổ chức Hội thi này, qua đó, tạo một sân chơi mới cho anh em nghệ nhân.
Tổ trọng tài chấm điểm để lựa chọn chú chim đạt tiêu chí.
Khi được hỏi về nguồn kinh phí để tổ chức Hội thi lần này, anh Khang cho biết: “Mọi chi phí đều do các anh em tự bỏ tiền túi ra, từ chi phí thuê địa điểm tổ chức, cho đến chi phí lo ăn ở cho các CLB chim cảnh ở các tỉnh bạn về tham dự. Anh cùng với anh Huỳnh Ngọc Diệp, Nhật Linh mỗi người bỏ ra 10 triệu đồng, và một số anh em trong CLB chim Chào mào thành phố Tam Kỳ góp vào được 40 triệu. Với số tiền đó, để tổ chức Hội thi chuyên nghiệp là rất khó nhưng với niềm đam mê chim cảnh, mong muốn được giao lưu, học hỏi với các nghệ nhân tỉnh bạn, anh em chúng tối đã quyết tâm tổ chức thành công Hội thi”.
Đối với các anh em trong CLB chim Chào mào thành phố Tam Kỳ, sự kiện lần này không chỉ tạo sân chơi mang tính chuyên nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Nam, mà còn rất ý nghĩa khi Hội thi được diễn ra đúng ngày Chào mừng kỉ niệm 38 năm ngày giải phóng thành phố Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam ( 24/3/1975-24/3/2013).
Một sân chơi chuyên nghiệp mới
Hội thi tiếng hót chim Chào mào các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên lần thứ I đã diễn ra thành công, tạo dấu ấn đẹp cho các CLB chim cảnh tỉnh bạn. Hội thi lần này thu hút 247 lồng chim đến từ 19 CLB các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận. Trong đó, các CLB đều mang tới Hội thi hàng chục lồng chim, như CLB chim Chào mào thành phố Tam Kỳ có gần 50 lồng chim, Hội Chim cảnh Huế có 40 lồng chim tham dự.
Hội thi thu hút đông đảo người dân đến xem.
Cách thức tổ chức chấm thí được thực hiện theo vòng loại, gồm 8 vòng thi đấu, qua mối vòng sẽ loại trực tiếp 10 lồng. 10 lồng bị loại ở vòng 6 sẽ đạt top 30, 10 lồng loại ở vòng 7 sẽ lọt top 20. 10 lồng còn lại sẽ vào vòng chung kết và thi đấu theo hình thức đảo lồng yếu loại dần. Tham dự Hội thi lần này, ông Nguyễn Đức Linh- thành phố Quảng Ngãi, cho biết: “Anh em nghệ nhận chơi chim cảnh chúng tôi rất vui mừng vì đã có một sân chơi chuyên nghiệp mới, có cơ hội giao lưu, học hỏi về những kỹ thuật nuôi chim cảnh. Bên cạnh đó, công tác tiếp đón và cách tổ chức thi của BTC rất chuyên nghiệp. Chúng tôi mong Hội thi sẽ được tổ chức vào những năm sau để có thêm nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi”.
Không chỉ thu hút nhiều nghệ nhân từ các CLB thuộc các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên tham dự, Hội thi lần này còn thu hút sự quan tâm của nhân dân thành phố Tam Kỳ. Người xem thích thú với những chú chim cảnh đẹp, những màn ghanh nhau từng tiếng hót, từng thế chiến đấu, tấn công dọa nạt kẻ thù của các chú chim Chào mào. Những cảm xúc đan xen lẫn lộn tại Hội thi, có cảm xúc vui sướng khi lồng chim được lọt vào vòng trong, hay cảm xúc buồn, thất vọng khi lồng chim bị loại của các nghệ nhân chơi chim cảnh. Một nghệ nhân chơi chim cảnh ở Huế cho biết, dù không đạt giải cao tại Hội thi, nhưng vẫn rất vui vì được giao lưu, học hỏi, biết thêm nhiều kỹ thuật, chăm nuôi chim cảnh. Nếu năm sau, Hội thi tiếp tục được tổ chức, chúng tôi vẫn sẽ tham gia thi đấu”.
Ông Vũ Ngọc Sơn -Trưởng Ban Giám khảo Hội thi, một trong những trọng tài có nhiều kinh nghiệm về chấm thi tại các hội thi chim cảnh trên toàn quốc, cho biết : để chọn ra chú chim đạt giải nhất phải dựa vào nhiều tiêu chí khắt khe, như: Chào mào trường chim, mào dày và cao, chim thon gon, rắn chắc, nhanh nhẹn, không tật, lỗi. Chim mau mỏ ra giọng đều đặn, bền bỉ trong suốt quá trình thi đấu, chim hót đổ nhiều giọng, đảo giọng, luyến láy âm tiết rõ ràng, chim ra giọng quát hoặc giọng ché (chét) thị uy, dọa nạt đối thủ, phải đủ 3 âm tiết trở lên, không có âm tiết trùng lắp. Thái độ thi đấu của chú chim đó phải linh hoạt, nhảy cầu, chuyển cầu, dáng đứng vươn mình, trong quá trình thi đấu chim rê cầu (xà cầu) búng cánh rung dọa đối thủ, chim sục sạo tìm đánh ra giọng ché thị uy dọa nát đối thủ. Đánh giá về chất lượng Hội thi tiếng hót chim Chào mào các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên lần I, ông Sơn nói: ” Chất lượng chim của các CLB tương đối đồng đều, chất lượng tốt. Mặc dù được tổ chức lần đầu tiên, nhưng Hội thi mang tính chuyên nghiệp cao”.
Ông Vũ Ngọc Trưởng bên chú chim đạt giải nhất của mình.
Chung kết cuộc thi, Giải nhất thuộc về lồng chim của ông Trịnh Ngọc Trưởng – huyện Phú Ninh, giải nhì thuộc về lồng chim của ông Hồ Ngọc Phú- Tam Kỳ, giải ba thuộc về Trần Vũ Quốc- Tam Kỳ. Trong niềm vui bất ngờ khi giành chiến thắng tại Hội thi, ông Trịnh Ngọc Trưởng nói: “Sở thích nuôi chim cảnh của tôi được bắt đầu cách đây hai năm. Hiện nay, tôi đã có 5 lồng chim cảnh, với nhiều loại chim khác nhau. Tuy nhiên, Chào mào là loại chim mà ông vẫn thích nuôi nhất”.
Hội thi tiếng hót chim Chào mào các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên lần I kết thúc để lại nhiều dấu ấn đẹp cho các nghệ nhân đến từ các CLB chim cảnh các tỉnh bạn, và những người dân thành phố Tam Kỳ, đánh dấu bước ngoặt lớn đối với phong trào chơi chim Chào mào của giới nghệ nhân chơi chim cảnh. Hứa hẹn một sân chơi chuyên nghiệp, làm tiền đề phát triển mạnh hơn nữa thú chơi chim cảnh tao nhã này./.
Thúy Hằng
Lượt xem: 10,721
{{NguoiGui}} ({{Email}})
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Bản đồ tỉnh Quảng Nams
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Portal Quảng Nam – Giấy phép số: 14/GP-TTĐT cấp ngày 26/6/2015. Đơn vị quản lý: Sở Thông tin Truyền thông – Số 50 – Hùng Vương – Thành phố Tam Kỳ Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Hồng Quảng – Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Điện thoại:0235.3818333 – Fax:0235.3811759 – Email:cttdtqnam@quangnam.gov.vn Ghi rõ nguồn chúng tôi khi sử dụng thông tin trên website này